Tiến sĩ Nguyễn Kiều và mối duyên nổi tiếng Thăng Long

Tiến sĩ Nguyễn Kiều và mối duyên nổi tiếng Thăng Long

Tiến sĩ Nguyễn Kiều thuở trẻ nổi tiếng là người văn hay chữ tốt, có tài văn thơ. Sinh thành trong một gia đình nhà Nho có truyền thống dạy học và làm quan. Nhờ vào tài năng đức độ và xuất chúng, Ông luôn được triều đình nhà Lê tin tưởng và trọng dụng. Ông còn đặc biệt hơn với mối nhân duyên “như cổ tích” nổi tiếng ở Thăng Long một thời với Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Đôi nét về Nguyễn Kiều

Kỷ niệm 325 năm sinh của Tiến sĩ Nguyễn Kiều (1695 – 1752) và 270 năm ông lập ngôi đình Tụy Lạc của làng Phú Xá. Cuộc tọa đàm “Danh nhân Nguyễn Kiều và nữ sĩ Đoàn Thị Điểm với quê hương Phú Xá”; đã được Viện Nghiên cứu văn hóa Minh Triết và UBND phường Phú Thượng tổ chức vào ngày 12-12 tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) để ghi nhớ những đóng góp và mối nhân duyên đẹp của ông.

Xuất thân của tiến sĩ Nguyễn Kiều

Nguyễn Kiều, sinh ngày 26-2-1695 sinh ra trong một gia đình nhà nho; có truyền thống dạy học và làm quan ở làng Phú Xá, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội). Lúc còn trẻ, ông nổi tiếng giỏi chữ, có tài văn chương bay bổng. Nguyễn Kiều đỗ đầu kỳ thi hương vào năm 18 tuổi; đỗ tiến sĩ khoa thi năm Ất Mùi (1715) khi mới chỉ 21 tuổi.

Năm 1717, ông trở thành một trong những tác giả của hệ thống văn bia Văn Miếu – Quốc Tử Giám khi được triều đình giao cho soạn văn bia tiến sĩ các khoa thi vào các năm 1667, 1683, 1697 và 1712. Năm 1742, Nguyễn Kiều được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc bàn giao với nhà Thanh. Chuyến đi sứ của ông đã thành công nhưng là cuộc đi xa lâu nhất, kéo dài suốt ba năm, vì lúc về bị “kẹt” lại ở Nam Ninh do giặc dã.

Vị tiến sĩ lập đình cho dân

Năm 1749, trong cung vua có một nhà giải vũ dựng không chuẩn quy cách. Nguyễn Kiều xin mua “thanh lý” để dựng đình cho làng Phú Xá. Ngôi đình được dựng từ năm 1749 đến giữa năm 1750 thì hoàn thành. Ông cũng chọn thần vị phù hợp để nhân dân thờ phụng và được triều đình đồng ý, phong sắc. Tên đình là Tụy Lạc – nơi hội tụ an vui, do Nguyễn Kiều chọn mỹ tự để đặt. Thời cách mạng, đình Phú Xá là nơi đi về của các cán bộ Đảng, là nơi tập quân sự, nâng cao lòng yêu nước của nhân dân tham gia và góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của Cách mạng Tháng tám 1945.

Ngày 23-8-1945, trước khi được đón vào vào nội thành Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân nghỉ tại đình Phú Xá. Ngôi đình nằm trong cụm di tích cách mạng bên cạnh cây gạo lịch sử từng là trạm liên lạc của các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Tùng…, di tích nhà bà Hai Vẽ và bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bia Tiến sĩ Nguyễn Kiều
Bia Tiến sĩ Nguyễn Kiều

Năm 2010, trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; đình Phú Xá đã được dựng lại trên nền đình cũ với năm gian tiền đường và ba gian hậu cung. Hệ thống di vật vẫn còn giữ lại được cũng khá đa dạng như các sắc phong, thần phả, chuông đồng, ngai thờ, kiệu gỗ, cửa võng, hoành phi, câu đối, long ngai, bài vị… Nhân dân ở làng Phú Xá lấy ngày mùng 10 tháng 2 hằng năm là ngày lễ hội truyền thống của làng, mong cho mưa thuận gió hoà, cuộc sống thuận lợi, hạnh phúc.

Mối nhân duyên “như cổ tích”

Ở trong triều, Nguyễn Kiều là vị quan thanh liêm, ngay thẳng, cần mẫn, một nhà ngoại giao hoàn thành tốt sứ mệnh. Ở làng Phú Xá, ông là người chu toàn chăm lo đời sống cả tinh thần lẫn vật chất cho nhân dân. Nhưng ông còn đặc biệt hơn với mối nhân duyên “như cổ tích” nổi tiếng ở Thăng Long một thời với Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Khi đã gần đến tuổi “tri thiên mệnh”, vợ đã mất, con thì còn nhỏ; lại được triều đình giao trọng trách làm Chánh sứ, sắp phải đi làm nhiệm vụ ngoại giao quốc gia; Ông đã kết giao vợ chồng với bà Đoàn Thị Điểm. Tưởng rằng nữ sĩ “lòng xuân đã khóa” nhưng Nguyễn Kiều đã rất tinh tế; ngỏ lời cầu hôn đến hai lần và đã lấy được lòng nữ sĩ. Ông không hứa trước với bà một cuộc sống an nhàn, phú quý; mà nhờ ở bà một sự đùm bọc bao dung, một trách nhiệm không hề dễ dàng. Sự cậy nhờ của ông dựa trên sự hiểu biết và quý trọng cả đức hạnh và tài năng; tính tình và bản lĩnh của “người thơ”. Ý nguyện chân thành của Ông đã được Đoàn Thị Điểm chấp nhận.

Mối tình với bà Đoàn Thị Điểm

Hai người đến với nhau không chỉ có niềm vui phu xướng phụ tuỳ, cầm thi xướng họa; mà còn là sự đồng thuận cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, gánh vác công việc. Đoàn Thị Điểm theo chồng về làng Phú Xá lo toan việc nhà và giúp chồng quản việc nước. Đoàn Thị Điểm không chỉ là một người vợ chu toàn; mà còn là người bạn văn chương, là “ích hữu” (người bạn có ích) của chồng. Bà cũng lập danh văn chương với tác phẩm Truyền kỳ tân phả. Nhưng người đời sau nhắc nhiều đến Đoàn Thị Điểm qua Chinh phụ ngâm. Tài năng của bà thể hiện qua ngôn từ đậm nét tính nghệ thuật khi dịch tác phẩm của Đặng Trần Côn ra quốc âm.

Danh nhân Nguyễn Kiều
Tọa đàm “Danh nhân Nguyễn Kiều và Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm với quê hương Phú Xá”.

Tiếc thay, cuộc sống gia đình của hai người chỉ được sáu năm; mà được gần nhau chỉ có ba năm. Năm 1748, cùng chồng vào trị nhậm Nghệ An; bà mắc trọng bệnh và mất ngày 6-6 (âm lịch). Lúc lâm chung, bà vẫn nghĩ về ông và đã sắp xếp trước mọi việc lo toan cho ông. Niềm thương xót tiếc thương vợ được Nguyễn Kiều thổ lộ ở hai bài văn tế khi đưa linh cữu xuống thuyền và trong lễ mở cửa mộ. Ông khóc thương nhớ tiếc một người vợ nhưng là bạn tri âm tri kỷ; một nữ sĩ tài hoa mà ông đã tìm kiếm bấy lâu; đã cùng chung sống hòa thuận lại cùng chung nhã hứng với văn chương, liên ngâm xướng hoạ.

Văn tế đưa lĩnh cữu vợ xuống thuyền

Cũng có thể nói Nguyễn Kiều là một người chồng “hiện đại” (như thời nay). Không chỉ yêu mà còn thấu hiểu; có tinh thần “tương kính” chân thành và còn có cả lời bình giá của một văn nhân với một văn nhân; thật trân trọng; chính xác xác nhận sự nghiệp văn chương của nữ sĩ.

“Ô hô! Hỡi nàng!
Huệ tốt – lan thơm.
Phong tư lộng lẫy – cử chỉ đoan trang.
Nữ đức trọn vẹn – tài học ngõ ngàng.
Giáo mác, ấy bàn luận – gấm vóc ấy văn chương.
Nữ trung, rất hiếm có như nàng!” (Trích từ Đoàn thị thực lục, Hoàng Xuân Hãn dịch)

Theo đánh giá của hậu thế: Hai bài văn tế vợ của Nguyễn Kiều có thể xếp vào loại hay nhất trong những bài “Điệu nội” (Khóc vợ) của văn học trung đại. Bốn năm sau khi Đoàn Thị Điểm mất; Nguyễn Kiều cũng đau buồn tạ thế tại quê hương ngày 16 tháng 6 (âm lịch). Người dân Phú Xá đã nhớ công đức của Tiến sĩ Nguyễn Kiều với quê hương và mối lương duyên nổi tiếng Thăng Long xưa của ông. Ông được thờ trong đình Phú Xá.

Xem thêm:

Nguồn: nhandan.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *