Di tích lịch sử quốc gia xuống cấp ở Vĩnh Phúc

Di tích lịch sử quốc gia xuống cấp ở Vĩnh Phúc

Đình Phương Viên được ghi nhận là di tích lịch sử quốc gia về kiến trúc nghệ thuật năm 2015. Đình được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 19 thuộc địa phận thôn thôn Phương Viên, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Trải qua thời gian, đình đã xuống cấp, ảnh hưởng tới sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân trong vùng và mất dần đi giá trị quý báu vốn có.

Kiến trúc của đình Phương Viên

Theo tài liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc; đình Phương Viên xây dựng mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Tòa đại đình là kiểu kiến trúc được phát triển theo chiều ngang, có xu hướng dàn trải sang hai bên.

Bộ mái đình rất bề thế, hai mái chính xòe rộng ra và thấp dần xuống; hai mái hai đầu che kín hai chái, chiều cao của mái chiếm khoảng 2/3 chiều cao của đình. Ngói lợp tào đại đình là ngói mũi hài, một đầu để vuông; đầu còn lại uốn cong theo chiều cánh cung; phần mũi hài có rãnh thoát nước, vừa có tác dụng trang trí.

Kiến trúc của đình Phương Viên
Kiến trúc của đình Phương Viên

Dấu ấn đặc biệt của phần mái chính là đao đình hai mái chính và mái hồi gặp nhau thành đường bờ dải gấp khúc, uốn cong về bốn phía giống như hoa nở. Cấu kiện gỗ quan trọng để tạo độ uốn cong cho mái đình chính là tàu mái, đó là những tấm ván dày nối khít với nhau chạy dài viền theo cạnh dưới của mái.

Tàu mái ở đây có chức năng như câu hoành cuối cùng; tàu mái được làm từ thân cây gỗ xẻ đôi mặt phẳng quay ra phía ngoài. Lá mái cũng là tấm ván dài, nối khít với nhau nhưng mỏng hơn và nhỏ hơn tàu mái; lá mái chạy song song và bám sát vào tàu mái, được cố định như then tàu. Những lá mái này có chức năng đỡ những viên ngói cuối cùng (ngói giọt gianh). Toàn bộ đại đình được dựng trên hệ thống trụ cột gồm bốn hàng chân, tám hàng cột và 16 cột quân..

Các dấu hiệu của sự xuống cấp

Tuy nhiên, hiện nay nhiều hạng mục của đình như mái đình bị nghiêng (khoảng 20 độ) về phía đằng sau; cột, kèo, thượng cân đã bị mục nát, vách ngăn bị rạn nứt. Cột đình chắp vá bằng xi-măng chống mối mọt đã ăn lan ra; câu đầu, xà ngang, mấu nối cột, vách ngăn gỗ bên trái đình cũng mục ruỗng. Tường nhiều đoạn bị rạn nứt, có đoạn nứt đến hàng mét, một số chỗ trên mái đình bị dột nát. Phía bên ngoài đình các cấu kiện cũng bị mục nát. Mấu nối bị hư hỏng do tác động của thời gian. Nhiều chỗ trong đình phải che đậy bằng bạt để tránh mưa…

Các dấu hiệu của sự xuống cấp
Các dấu hiệu của sự xuống cấp

Ông Bùi Văn Hồng cán bộ văn hóa thông tin của thị trấn Thổ Tang, cho biết: Trước khi được xếp hạng năm 2015, UBND thị trấn Thổ Tang đã có tờ trình để tu bổ, tôn tạo đình. Nhưng đến nay, đình chưa được cơ quan chức năng nào quan tâm, chỉ đạo để tu bổ, tôn tạo. Phần lớn công việc tu sửa những hạng mục bị xuống cấp đều do nhân dân trong vùng tự đóng góp để sửa nhưng chỉ mang tính chắp vá.

Bên cạnh chức năng là cơ sở thờ tự; đình Phương Viên còn là nơi lưu giữ một số lượng khá lớn các cổ – di vật có giá trị. Những cổ vật này cũng có nguy cơ bị mất trộm do việc bảo quản không bảo đảm an ninh.

Trước tình trạng đình Phương Viên đã xuống cấp nghiêm trọng; tỉnh Vĩnh Phúc cần phải sớm có biện pháp đầu tư chống xuống cấp, tu bổ; bảo tồn di tích, tránh tình trạng di tích bị sập rồi mới tiến hành tu bổ, tôn tạo; làm mất giá trị di sản vốn có của đình.

Xem thêm:

Nguồn: nhandan.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *