Nhà cộng đồng – “Kiến trúc hạnh phúc” giúp gắn kết xã hội

Nhà cộng đồng – “Kiến trúc hạnh phúc” giúp gắn kết xã hội

Quá trình đô thị hoá và phát triển kinh tế đang diễn ra ngày càng nhanh chóng. Hệ quả là kéo theo sự gia tăng cách biệt giữa thành thị và nông thôn. Điều này khiến mối liên hệ cộng đồng ngày càng lỏng lẻo và có nguy cơ tan rã. Các khu vực nông thôn, miền núi lại không có nhiều điều kiện tốt để tham gia những hoạt động sinh hoạt. Để phục vụ cho mục đích gắn kết dân cư và xã hội, mô hình nhà cộng đồng đa năng đã ra đời. Ở mỗi vùng miền, dân tộc, nhà cộng đồng mang nét đặc trưng riêng biệt của bản sắc văn hoá nơi đó.

Vai trò của nhà cộng đồng

Tại Việt Nam, các công trình nhà cộng đồng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người dân ở các vùng nông thôn, miền núi. Đây được xem là một công trình xây dựng rất đặc sắc và mang tính khả thi cao trong kiến trúc Việt Nam. Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động sinh hoạt văn hoá, tinh thần cùng nhiều sự kiện khác của người dân trong vùng. Không gian cộng đồng này sẽ là sợi dây giúp gắn kết các mối quan hệ xã hội thêm bền vững.

Ngày nay, mô hình nhà này còn gắn với loại hình du lịch cộng đồng đang phát triển ở nước ta. Khách du lịch có thể tìm hiểu về các công trình di sản, nghề thủ công của địa phương. Thông qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – du lịch, mang lại việc làm, tăng thu nhập. Đời sống người dân của người dân nhờ vậy cũng được nâng cao hơn.

Một số công trình xây dựng tiêu biểu

Từ năm 2009, Architects đã tham gia tạo ra những không gian cộng đồng tại vùng nông thôn, miền núi. Ðến nay, Architects đã xây dựng được nhiều công trình Nhà cộng đồng đáng chú ý. Ở hầu hết các vùng dân tộc thiểu số, người dân kế thừa kinh nghiệm truyền thống trong xây dựng kiến trúc của riêng mình.

Nhà cộng đồng Suối Rè

Công trình được xây dựng năm 2010 tại xã Cư Yên, huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Kết cấu của nhà vô cùng độc đáo và mang đậm bản sắc Việt – Mường. Các vật liệu xây dựng đều hữu cơ và sẵn có tại địa phương như đất, đá, tre, nứa, lá.

Nhà cộng đồng - "Kiến trúc hạnh phúc" giúp gắn kết xã hội
Nhà cộng đồng thôn Suối Rè

Nhà có cấu trúc không gian nhiều lớp. Phía trước là khoảng sân thoáng mát có thể tổ chức các hoạt động ngoài trời. Không gian sinh hoạt chính ở lớp giữa và bao gồm hai tầng. Tầng trên là không gian đa chức năng có thể làm nhà trẻ, thư viện và khu họp thôn. Tầng dưới lấn ra mái dốc vừa tránh gió mùa đông bắc, vừa hút gió đông nam. Kết cấu này giúp ngôi nhà ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Lớp sau mở ra khoảng hiên rộng gắn với thảm cỏ xanh, hướng lên núi và rừng tre.

Nhà cộng đồng Tả Phìn

Ngôi nhà được xây dựng năm 2012 ở thôn Xả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa (Lào Cai). Đây là nơi trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thư viện nhỏ, trạm thông tin. Các hoạt động hội họp, đào tạo nông nghiệp và du lịch sạch cũng được tổ chức ở đây.

Nhà cộng đồng - "Kiến trúc hạnh phúc" giúp gắn kết xã hội
Nhà cộng đồng Tả Phìn

Nhà cộng đồng ở đây lấy cảm hứng từ chiếc khăn quàng đỏ truyền thống của phụ nữ Dao và sự uốn lượn của những dãy núi. Ngôi nhà được xây bằng các vật liệu thân thiện với môi trường. Ðây cũng là một ngôi nhà đa năng và bao gồm một khu vườn bảo tồn cây thuốc. Trong đó, các kiến trúc sư của Architects áp dụng các giải pháp kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng.

Một số công trình khác

Nhà cộng đồng Cẩm Thanh ở xã Cẩm Thanh, TP Hội An (Quảng Nam), xây dựng năm 2015. Ở đây dùng làm nơi tập huấn ứng phó biến đổi khí hậu. Ngoài ra, còn dùng làm không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao. Về lâu dài, đây sẽ là trung tâm khảo nghiệm nông sản hữu cơ, tổ chức nghiên cứu. Đồng thời là không gian chia sẻ kinh nghiệm canh tác của người dân.

Nhà cộng đồng - "Kiến trúc hạnh phúc" giúp gắn kết xã hội
Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh

Ngoài ra còn có Nhà cộng đồng Chiềng Yên ở xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ (Sơn La), xây dựng năm 2015. Ngôi nhà lấy cảm hứng từ chiếc khăn trùm đầu của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương và hình thức nhà sàn truyền thống.

Xuyên suốt các dự án này, các kiến trúc sư luôn trung thành với triết lý: “Kiến trúc hạnh phúc” cho cộng đồng. Những công trình thiết thực này giúp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Xem thêm nhiều bài viết hữu ích khác tại:

Nguồn: nhân dân.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *