Tìm hiểu về nét đặc sắc của dòng tranh dân gian Hàng Trống
Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian độc đáo của Việt Nam, hội tụ đầy đủ các yếu tố về văn hóa và nghệ thuật. Tranh tái hiện một cách độc đáo, sinh động nét đẹp văn hóa của người Việt xưa. Ngoài ra, tranh Hàng Trống còn góp phần quan trọng vào tiến trình giúp nghề làm tranh dân gian của Việt Nam phồn thịnh một thời. Có thể nói, đây là một nét văn hóa nghệ thuật đầy tự hào của Việt Nam.
Mục lục
Nét đặc sắc của tranh Hàng Trống
Tranh Hàng Trống xuất hiện từ khoảng 400 năm trước đây. Sở dĩ có tên gọi như thế là do loại tranh này được sản xuất chủ yếu tập trung ở phố Hàng Trống, Hà Nội. Dòng tranh này đã phát triển qua nhiều thế kỷ nay. Điểm độc đáo của dòng tranh là phục vụ nhu cầu của người Hà Nội xưa. Người Hà Nội xưa có gu thẩm mỹ tinh tế, cho nên, tranh Hàng Trống mang nhiều nét đặc sắc.
Tranh Hàng Trống còn là sự giao thoa tinh hoa giữa Phật Giáo và Nho Giáo. Ngoài ra, nó còn hội tụ giữa loại hình tượng thờ, điêu khắc ở đình chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá hằng ngày. Tranh ẩn chứa sự mê hoặc bởi nó hàm chứa nhiều ý nghĩa được truyền tải một cách tinh tế, khéo léo.
Đòi hỏi kỹ thuật cao
Nếu các dòng tranh khác chủ yếu dùng kỹ thuật in ván khắc, in ấn hàng loạt và đậm nét dân dã, thì tranh Hàng Trống chỉ in một cách giới hạn. Còn lại, người nghệ nhân phải dụng công vẽ tranh, với những kỹ thuật đi nét, vờn màu…. Thậm chí là dát vàng, dát bạc. Đây là dòng tranh đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ, tinh tế.
Dòng tranh này được coi là đỉnh cao của kỹ thuật tranh dân gian Việt Nam. Thế nên giá thành của tranh thường cao.
Đa dạng về đề tài
Tranh dân gian Hàng Trống có nhiều đề tài đa dạng. Bao gồm: tranh lịch sử, tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh trang trí, tranh sinh hoạt xã hội… Nhờ thế, dòng tranh này có mặt trong nhiều tầng lớp trong xã hội. Tranh có thể treo ở nhiều không gian khác nhau.
Tranh thường xuất hiện nhiều trong dịp Tết hay trong những nghi lễ thờ cúng. Có thể kể đến một số bức tranh nổi tiếng của dòng tranh này như: “Lý ngư vọng nguyệt”, “Thất đồng”, “Ngũ hổ”, “Tố nữ”. Bộ tranh truyện như Hoa Tiêu, Kiều… Bộ tranh về cảnh dạy học, cảnh nhà nông hay các kiểu khác: Canh, tiều, ngư, mục (nhà nông, tiều phu, đánh cá, chăn trâu). Các tranh thờ như Tam toà Thánh Mẫu, Tứ phủ, Ngọc hoàng…
Cuốn sách “Dòng tranh dân gian Hàng Trống”
Ngày 8-12, tại di tích đình Nam Hương (phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội cho ra mắt cuốn sách “Dòng tranh dân gian Hàng Trống” (Nhà xuất bản Thế giới 2020).
Đầu tư kỹ lưỡng
Tác giả của cuốn sách là Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hòa. Chị đã dày công nghiên cứu, tìm tòi được nhiều tư liệu cổ. Sách dày 340 trang, in bốn màu trên giấy đẹp, bìa sách in bức tranh Tố nữ.
Ngoài những bản phổ thông bìa mềm, tác giả còn in 100 bản giới hạn dành cho người sưu tầm và chơi sách. Cuốn sách gồm năm chương: “Lịch sử tranh dân gian Hàng Trống”, “Nghệ thuật tranh dân gian Hàng Trống”, “Kỹ thuật vẽ tranh dân gian Hàng Trống”, “Phân loại tranh dân gian Hàng Trống”, “Tranh dân gian Hàng Trống trong đời sống đương đại”.
Cuốn sách có sự hỗ trợ của nghệ nhân Lê Đình Nghiên và con trai ông là nghệ nhân trẻ Lê Hoàn. Gia đình ông là những người duy nhất còn làm tranh Hàng Trống. Cuốn sách đã mô tả kỹ lưỡng nhiều kỹ thuật của dòng tranh này..
Đánh thức văn hóa truyền thống
Với hệ thống tư liệu phong phú, độc giả có thể hiểu cặn kẽ hơn về sự ra đời, phát triển của dòng tranh dân gian Hàng Trống.
Thông qua cuốn sách này, tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa mong muốn bắc thêm một cây cầu để nối. Đó là sự kết nối giữa tranh dân gian Hàng Trống với cuộc sống hiện tại. Đồng thời, cung cấp tư liệu cần thiết về dòng tranh dân gian nổi tiếng. Từ đó lan tỏa, đánh thức tình yêu văn hóa truyền thống trong tâm hồn thế hệ trẻ…